Friday, February 16, 2018

Diễn Hành Tết Mậu Tuất 2018 - Vi Anh - Người Việt


Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và các tổ chức đoàn thể đã họp và quyết định tổ Chức Diễn Hành Tết Mậu Tuất 2018 vào 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy, 17 Tháng Hai (tức Mùng Hai Tết), ở Little Saigon.

Tham dự, có thể nói rất đông, đã có cả trăm ngoài đoàn thể ghi danh rồi. Biểu tượng lich sử nổi bật là chiếc hải hạm HQ-10 với 75 chiến sĩ Hoàng Sa tử chiến chống TC cưỡng chiếm Hoàng sa. Cũng như năm 2016, Ban tổ chức tôn vinh Hưng Đạo Vương một tướng lãnh Việt đại tài, một anh hùng dân tộc Việt chiến thắng quân Nguyên Mông khét tiếng, vó câu dẫm nát Đông Âu và một phần nước Nga. Chủ đề là Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi 20 vạn quân nhà Thanh ra khỏi Miền Bắc VN.

Học giả Phạm Quỳnh nói, tiếng Việt còn thì nước Việt còn. Nhưng ngôn ngữ tuy là một thành tố chánh nhưng cũng chỉ là một thành tố của nhiều thành tố cấu thành văn hoá thôi. Theo  giáo sư xã hội học John J. Macionis, trong quyển “Society the Basics” đã tái bản sáu bảy lần rồi, một loại xã hội học nhập môn, sinh viên đại học Mỹ nào cũng phải học, thì văn hoá có một số yếu tố chánh: biểu tượng, ngôn ngữ, giá trị mà nhiều người đồng ý chung một ý nghĩa.

Nếu ai làm ngược như đốt quốc kỳ là một trong những biểu tượng văn hoá thì hành động đó đa số lên án là phản văn hoá (counter cultural), là vô văn hoá. Chỉ có con người là sinh vật duy nhứt biết tạo ra văn hoá cho mình.

Người Việt Nam nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng không sống được ở nước nhà VN đang bị kềm kẹp trong gọng kềm CS, đã di tản qua Mỹ cách nước nhà nửa vòng trái đất, vẫn đem VN, đem văn hoá Việt theo mình, cố gắng bảo tồn trong xã hội đa văn hoá, đa chủng tộc Mỹ.

Ở Little Saigon những năm gần đây đều có tổ chức những sinh hoạt về văn hoá VN trong những ngày trở thành truyền thống chánh trị như ngày Quốc Hận 30-4 và phong tục như Tết Nguyên Đán.

Hình thái văn hoá vật thể và tinh thần, con người, các đoàn thể, màu cờ sắc áo, ngôn ngữ VN, những nét chánh của  lịch sử, phong tục VN của người Việt quốc gia có trên 4000 năm văn hiến một năm một lần được trình bày, nhắc nhở người lớn tuổi và gây hiểu biết cho đoàn hậu tiến.


Văn hoá như dòng chảy của cuộc sống VN, sống liên tục của tiền nhân để lại được người đi sau phát huy trong lòng dân tộc. CS cố gắng cào bằng mà cào không được. Trái lại dòng văn hoá người Việt Quốc gia cao hơn của CS nên tràn lấp văn hoá CS theo nguyên tắc bình thông nhau. Văn hoá quốc gia VN được lòng dân yêu thích, người dân nuôi nấng, nên tuy len lỏi nhưng đều đặn phổ biến trong môi trường khô cằn của CS, CS cấm mà không được. Tại vì đó là văn hoá, văn học, giáo dục, văn nghệ, âm nhạc thời VNCH gọi là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Tại vì văn hoá ở Miền Bắc CS bị ngoại lai, mất gốc, đượm mùi Tàu rất nặng.

Bình tâm mà xét, phải khen vai trò bảo tồn và phát huy văn hoá của người Việt hải ngoại. Người Việt hải ngoại chẳng những bảo vệ và phát huy văn hoá ở đất  địa mình sống. Tuy cách xa nước nhà VN nửa vòng Trái Đất nhưng còn bằng cách này hay cách khác, công khai hay âm thầm đem nhựa sống về cho nền văn hoá VN trong nước. Nền văn hoá VN trong nước, trong hàng ngũ nhân dân chẳng những sống còn mà phát huy tuy không mạnh như ở hải ngoại nhưng ít nhứt vẫn sống còn được.

42 năm qua thế hệ thứ nhứt và một rưỡi đã làm tất cả những gì có thể làm được và không từ bỏ cơ hội nào để làm điều ấy. Số đầu sách xuất bản ở hải ngoại, tỷ lệ quá cao so với dân số người Việt hải ngoại. Vắt tim óc ra viết, để dành tiền ra in, bán thường không đủ vốn nhưng người Việt hải ngoại vẫn làm.  Số tờ báo ở hải ngoại ra rất nhiều, người làm báo làm là vì muốn đem thông tin, nghị luận đầy đủ đến cho đồng bào khi truyền thông quốc tế không coi VN là tiêu điểm nữa -- hơn là làm để kiếm tiền. Dù khó khăn kinh tế vẫn cố gắng giữ truyền thống làng báo Việt, ra báo xuân. Phát thanh hải ngoại cũng thế đổ mồ hôi chạy tìm quảng cáo để có đủ tiền trả tiền mướn phát sóng để giữ tiếng nói của người Việt Quốc gia hơn là nghề sống. Truyền hình cũng thế, vặt gấu, vá tay để người Việt có tin, có hình đầy đủ hầu có nhận định đúng đắn bộ mặt thật của nhà cầm quyền CS. Các cá nhân và hội đoàn, cộng đồng đi năn nỉ hết chỗ này đến chỗ khác để có nơi bỏ thì giờ, kiến thức và kinh nghiệm truyền đạt tiếng Việt cho thế hệ thứ hai và ba. Sau 42 năm định cư, cho đến bây giờ, hiếm có một sắc tộc nào trong xã hội đa văn hoá, đa sắc tộc Mỹ, đầu tư thời giờ, tiền bạc và tâm huyết để bảo tồn và phát huy văn hoá như người Mỹ gốc Việt.

Và 42 năm qua, dù bi quan thế mấy, người ta cũng thấy người Việt hải ngoại đã thành công. Văn hoá VN, tiếng Việt không bị chìm trong Anh văn, Pháp văn, mà vươn lên bầu trời tự do, vào lòng người tự do, còn chuyển ánh sáng tự do, dân chủ về nước nhà VN. Báo đài của CS Hà nội làm công tác “thông tin đối ngoại” cho CS Hà Nội, coi miễn phí mà chẳng mấy ai người Việt hải ngoại gắn dĩa để xem. Trái lại nhiều đài của người Việt hải ngoại xem phải đóng lệ phí, mà số gia đình xem hàng theo DirecTV, rất cao.

Được như thế, thế hệ thứ nhứt và một rưỡi không thể không nhớ ơn di sản văn học, nghệ thuật mà VNCH đã đóng vai trò tiếp nối tiền nhân từ Hán, Nôm qua Quốc ngữ và truyền thừa cho người Việt hải ngoại.

Phần còn lại là lớp trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng. Nếu không có ngày 30-4-75, dù du học đậu bằng tiến sĩ, bác sĩ ở Mỹ muốn xin ở lại, định cư ở Mỹ, cũng không được. Nếu không có 30-4-75, nếu không có những người bị CS bắt bỏ tù cải tạo, đi kinh tế mới, bị trấn lột qua bao lần đổi tiền và đánh tư sản, không  có những thuyền nhân dũng cảm và dứt khoát  không sống với CS đã dùng thuyền nan vượt đại dương.
Thì đâu có những bác sĩ, kỹ sư, dân biểu, nghị viên đang làm việc trong chánh quyền Mỹ bây giờ. Thế hệ cha anh của những người trẻ có học đó đã cố giữ văn hoá Việt, không để bị trốc gốc nơi quốc gia định cư mà còn vươn tay vun bồi cho nền văn hoá nhân bản, dân tộc, khai phóng đang trong lòng người dân Việt ở nước nhà VN. Thế hệ phụ huynh đến Mỹ với hai bàn tay trắng mà còn có thể bảo tồn và phát huy văn hoá Việt được, lẽ nào thế hệ trẻ được thừa hưởng bao nhiều cơ hội tiến thân ở Mỹ lại không làm được như cha anh. Thế hệ phụ huynh đã  hy sinh mạng sống, những ngày  hoa niên của cuộc sống, hy sinh cho con cháu để đưa con cháu đến bến bờ tự do để có cơ hội vạn lần hơn so với người đồng trang lứa ở VN, và tạo nhiều kỳ tích văn hoá cho dân tộc Việt, lẽ nào lớp trẻ không biết ơn./.(VA)

Thursday, February 15, 2018

2 bài VĂN CÚNG giao thừa linh nghiệm nhất cho Tết Mậu Tuất cầu gì được nấy, thần linh ưu ái giúp sức, phát tài lộc, đón bình an!

Mỗi năm qua đi đều có sự bắt đầu và kết thúc. Giao Thừa chính là thời điểm linh thiêng, chuyển giao đất trời giữa một năm cũ và năm mới (Đinh Dậu 2017 và chuyển sang năm mới Năm Mậu Tuất 2018). Đây cũng là thời điểm tốt nhất để mọi người cầu bình an, may mắn, thịnh vượng, tài lộc, công danh và xua đi những khó khăn, đen đủi trong một năm sắp tới.

Tuy nhiên cúng và khấn giao thừa thế nào để thần linh thấu hiểu và sẵn sàng ban phúc?
Mẹ nào chưa biết thì để em chia sẻ kinh nghiệm cho nhé, mẹ chồng em làm thầy tướng số nên mấy chuyện này rành vô cùng.


1. Cúng giao thừa ngoài trời
Sắm lễ cúng Cúng Giao Thừa Năm Mậu Tuất 2018 ngoài trời bao gồm:
– Gà trống tơ, luộc
– Bánh Chưng
– Đèn hoặc nến
– Bộ Vàng mã Cúng giao thừa ( Ra tiệm bán hàng mã nói bán 1 bộ là họ đưa)
– Hoa tươi
– Trầu cau
– Rượu/ trà (Rót rượu trước, sau đến trà )
– Mâm Ngũ Quả …


mam-co-cung-giao-thua-nen-co-nhung-gi-2
Văn khấn ngoài trời:
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
– Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật
– Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh
– Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần
– Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển
– Con kính lạy ngài đương niên thiên quan Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan
– Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Hổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm Đinh Dậu với năm Mậu Tuất 2018, chúng con là: …………….., sinh năm: ………, hành canh: ……….. tuổi, cư ngụ tại số nhà:………, ấp/khu phố:……….., xã/phường ……….., quận/huyện/ thành phố …………………., tỉnh/thành phố ……………………

Nhân phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng-đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật-Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cái Thái tuế, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên kháng thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần.
Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)

2. Cúng Giao thừa trong nhà:
Mâm cỗ mặn bao gồm:
1. Bánh chưng
2. Giò
3. Chả
4. Xôi gấc (xôi các loại)
5. Thịt gà
6. Rượu (bia, thức uống khác)

Mâm cỗ ngọt bao gồm:
1. Bánh kẹo
2. Mứt tết
3. Hoa
4. Đèn (nến)
5. Hương

Văn khấn trong nhà:
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương
Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật
Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần
Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần
Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan: Cự Tào Phán quan.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Nay là Phút giao thừa năm 2018 Mậu Tuất, chúng con là….., sinh năm….., ngụ tại…..

Phút giao thừa vừa tới, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, chúng con thành tâm, tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- Thánh, dâng hiến tôn Thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ Thần, Phúc đức chính Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời, các cụ tiên linh, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nội tộc, ngoại tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng hâm hưởng lễ vật. Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo thụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho chúng con, tân niên khang thái, ngày đêm tốt lành, thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng. Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Phục duy cẩn cáo!

Chúc Mừng Năm Mới - Mậu Tuất 2018
















Monday, February 12, 2018

Những ngày tháng cũ - Nhật Nguyễn PBC72


Anh ..
Vậy là một năm cũ sắp qua và mùa
xuân đang từng bước chạm khẽ, thật gần.
Sài gòn những ngày cuối năm se se lạnh, nắng sớm rực rỡ hơn và buổi chiều, khi những ngọn đèn đường chen lấn theo dòng xe cộ, không gian như khoác thêm một tà áo lụa mỏng .

Em đi qua những con đường trong thành phố
Nắng gối đầu, ngủ trên cao vòm lá
mướt xanh ..
Những vòng xe nhè nhẹ loanh quanh
Mùa xuân ngày ấy ..
Ngày cũng như đêm,
thành phố rất dễ thương ..
Xao xuyến quá, hàng cây thơm áo mới ..
Và mùa xuân vừa chật khít những con đường ...

Đường phố như chộn rộn tất bật hơn. Chưa Tết mà không gian đã tràn ngập niềm vui. Và rộn ràng
hơn nữa, đi ở đâu, đứng ở chỗ nào cũng nghe âm thanh náo nức của Ly rượu mừng. Những âm thanh thánh thót gieo vào trong tâm hồn của người nghe những cảm xúc bất tận khó tả . Có ai đó, em không nhớ tên, gọi Ly Rượu mừng là "Xuân khúc kinh điển“ trong gia tài âm nhạc Việt. Cách dùng chữ rườm rà cầu kỳ, và vô nghĩa quá, em, chỉ thấy đơn giản, đó là bài hát của hy vọng , của khát khao hạnh phúc mà từng lời từng câu rất gần gũi với tâm hồn bình dị , trong sáng của tất cả mọi người .
Có những giây phút bất ngờ thiêng liêng nào đó, tâm hồn người nhạc sĩ bất chợt hoà nhập vào đất trời, nghe được hơi thở của đất , sự chuyển mình của mùa xuân, và bắt được những hợp tấu huyền bí của vạn vật thổi linh hồn vào từng câu, từng chữ để bài hát, tự nó, vĩnh cửu với thời gian, và khi nó được cất lên, những âm thanh rộn rã tràn ngập chan chứa vào lòng người, mang lại cho đời sống bát ngát niềm vui và những chồi non nở mầm cây hy vọng.
Như khi ta nghe Silent Night ,có phải ta chợt bắt gặp nỗi xao xuyến như giòng suối tràn trề, tinh khiết đưa tâm hồn ta bay bổng .
Không ai có thể giải thích điều kỳ diệu đó, chỉ biết rằng, chúng ta như nghe được hơi thở liên lạc giữa con người và Thượng đế, giữa trời đất và vũ trụ. Nó làm cho tâm hồn ta thánh thiện hơn, thanh thoát hơn như sẵn lòng rửa sạch b bặm trần gian để toàn tâm toàn ý hướng về Thiên Chúa ..
Và cho đến hàng trăm năm sau bài hát khi cất lên dù bất cứ ở đâu, có phải, ta vẫn mang nguyên vẹn cảm giác kỳ diệu ấy ?

Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi hát lên vào những ngày xuân bao giờ cũng mang đến cho chúng ta một cảm giác thật lạ lùng. Nó, những âm thanh ấy báo hiệu xuân đã về trong chứa chan hạnh phúc. Những khoảng khắc đẹp đẽ của thanh bình, của một miền Nam tự do dù lúc ấy ..” mẹ già mắt lệ nhoà mong ngóng con về, chúc người chiến sĩ lên đàng, chiến đấu công thành ..”
Có phải thượng đế đã khải huyền cho ông điều kỳ diệu ấy ?
“ Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Xuân thanh bình đang phơi phới “
Ai lại không khát khao thanh bình thật sự về trên khắp quê hương mình. Ước mơ một ngày nào, ngoài kia, chiến trường im tiếng súng .
Những ước mơ thật giản dị , phải không anh, như em và anh ngày đó, mình chỉ ao ước có một chỗ ngồi êm ái bên nhau, một nơi chốn bình yên để chúng ta có thể làm lại từ đầu sau hoang tàn đổ nát của chiến tranh ..
Và niềm khao khát đó, niềm hy vọng đó qua những chuỗi âm thanh kỳ diệu kia, qua bàn tay tài tình của người nhạc sĩ tài hoa, đã mang Ly rượu mừng đến từng mọi nhà , mang những lời chúc yêu thương cho mẹ, cho chị, cho anh , những lời chúc mùa xuân ngọt ngào vĩnh cửu ..
“ Mùa xuân nâng chén ta chúc nơi nơi ..”
Mùa Xuân đã thật sự đến tận từng ngõ ngách , từng nhà , từng nhà trong thành phố rồi đó anh ..

Anh có nhớ ngày xưa em viết thư cho anh: Có lẽ đầu năm em sẽ lên đơn vị với anh. Lính có ăn tết không anh ? Em thiệt muốn nhìn, muốn thấy . ..
Nhật Nguyễn

Tết Sài Gòn Xưa 1960-1974


Ký ức về Tết ở Sài Gòn Xưa.
Không khí Tết ở Sài Gòn hồi đó bắt đầu được cảm thấy từ sau Giáng Sinh, những sạp bán đồ Giáng Sinh dọc các đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ thật ra vẫn ngồi nguyên chỗ và chỉ thay đổi thiệp mừng Giáng Sinh sang thiệp chúc Tết mà thôi. Không khí hội hè “bắc qua” này kéo dài cho đến gần Tết, khi những khu vực bán hàng Tết thật sự được tổ chức.
Hai khu vực vui nhất là chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ và khu vực chợ Bến Thành. Người Sài Gòn hồi đó chỉ chuộng có vài loại hoa có truyền thống lâu đời cho ngày Tết mà thôi. Và các chủng loại cũng đơn giản, vì các loại hoa hợp với khí hậu miền Nam cũng không nhiều lắm. Đứng đầu luôn là mai vàng. Sau đó là các loại cúc như đại đóa, vạn thọ, rồi thược dược các mầu, mào gà, phong lan, địa lan…,dĩ nhiên cũng còn vài loại khác nhưng số lượng rất ít. Cây trái thì nổi bật và chính thống nhất vẫn là quất (tắc). Hoa Đà Lạt chuyển về cũng phần nhiều là phong lan, cúc, thược dược, đồng tiền và họa hoằn một ít mâm xôi và phù dung. Hoa cắm cành ngày đầu Xuân thì có lay-ơn, hoa hồng. Cũng từ Đà Lạt về nhưng các chủng loại hoa hồng hồi đó còn hơi nghèo nàn.
Dân chơi Sài Gòn hồi những năm đầu của thập niên 1960 vẫn còn chơi trội bằng cách ra bãi biển Thủy Triều gần Cam Ranh để tìm cành mai rừng, cũng tương tự như lên Sapa tìm cành đào thế ở ngoài Bắc. Dọc bãi biển Thủy Triều trước đây là hàng cây số rừng mai vàng hoang dã rất đẹp. Thường người ta đốn nguyên cây đem về cắm mấy ngày Tết. Những người hiếu cổ thì vào Chợ Lớn tìm mua mấy giò thủy tiên. Hồi đó người ta chơi rễ cây thiết mộc lan chứ không ai chơi rễ thủy tiên. Thủy tiên chỉ chơi hoa, đơn hoặc kép. Những cái thú chơi thủy tiên là gọt, hãm và thúc. Mẹ tôi chăm sóc thủy tiên với sự trìu mến đặc biệt. Trước hết là phải chọn giò có số củ và hình dáng chuẩn. Sau đó gọt củ để lá và chồi hoa sẽ mọc ra theo những dạng, thế mình muốn, thí dụ như long, ly, quy, phụng, v.v. Và phải biết thúc hay hãm để kiểm soát thời điểm hoa nở theo đúng ý mình, tốt nhất là ngay (bỏ chữ sau) giờ Giao thừa.
Những ngày giáp Tết người ta dựng rạp bao quanh hai mặt phía công Trường Quách Thị Trang và đường Phan Bội Châu của chợ Bến Thành để bán hàng Tết. Đèn đuốc sáng trưng, trai thanh gái lịch dập dìu. Nhiều nhất là bánh, kẹo, rượu; và nhất là mứt các loại và hạt dưa. Hàng Tết ở đây phần nhiều là hàng sản xuất trong nước, thí dụ như khô nai, khô cá thiều Phú Quốc; rượu dâu, rượu Mận Đà Lạt; trái cây Lái Thiêu; bột gạo lức Bích Chi… Mỗi cửa hàng bắc loa với công suất cực mạnh để lấn át hàng xóm.
Ồn ào nhất bao giờ cũng là quầy bán thuốc đánh răng hiệu anh Bẩy Chà Hynos. Những câu rao hàng thường ngộ nghĩnh, như của quầy bán vải: “Trăm ba pô-pơ-lin, trăm sáu pô-pơ-lin, một trăm ba bán sáu chục”. Hay khi hàng đồ chơi ồn ào: “Xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó chơi, em nhỏ nó mừng”, thì quầy dưa hấu bên cạnh tiếp luôn: “Xanh xanh, đỏ đỏ em nhỏ nó ăn, em nhỏ nó cười đi”.
… và trong nhà
Nhưng cảm giác Tết thật sự bắt đầu khi người ta bắt đầu mua, trữ thực phẩm và vật dụng cho những ngày Tết. Từ khoảng rằm tháng Chạp trở đi mẹ tôi bắt đầu tích trữ các thực phẩm khô như măng lưỡi lợn, bóng cá, gạo nếp nấu bánh chưng, đường làm mứt… Các loại rau, lá xanh như cải bẹ muối dưa, hành củ, hành lá, kiệu… thường được mua ở chợ Cầu Muối. Thịt thà các loại thì phải ra chợ Ông Tạ. Chợ này cũng là nơi cung cấp thịt cầy tơ, cả sống lẫn chín, cho dân nhậu gốc Bắc ở Sài Gòn. Thật thú vị khi được theo mẹ và mấy chị giúp việc đi chợ Cầu Muối ban đêm. Mùi ung ủng của hành, kiệu để muối dưa ở những chợ đầu mối bán rau như thế này và những ánh đèn vàng bóng tròn, khi hồi tưởng lại trở nên rất ấm áp, rất Tết đối với tôi. Hồi đó Sài Gòn hãy còn nhiều xích lô máy. Loại xe này to hơn và chở được nhiều hơn xích lô đạp. Một chuyến xích lô máy lạch bạch có thể chở tất cả rau trái cho một cái Tết của mẹ tôi.
Bắt đầu từ Tết ông Táo thì mọi chuyện trở nên cấp bách. Đây là ngày mẹ tôi bắt đầu làm các loại mứt. Đối với những người còn sót lại từ nền văn hóa bà Phủ, bác Phán cổ xưa thì các thức ăn, món cỗ ngoài hương vị còn phải tỏa ra được nét tinh tế, thanh tao. Mứt không những ngon, mà còn phải trông đẹp mắt. Mẹ tôi lúc nào cũng trung thành với những loại mứt cổ truyền, mà quay đi quẩn lại cũng chỉ có các loại khoai, sen, gừng, bí, chanh, quất. Không hiểu tại sao mứt cà chua cũng lọt được vào danh sách này.
Loại mứt phổ thông và dân giã nhất thời đó là mứt khoai lang ruột nghệ, thì không hiểu sao nay đã hoàn toàn biến mất ở Việt Nam. Khoai lang thái lát bán nguyệt, ngâm qua với nước vôi trong đã được gạn thật kỹ. Sau đó rửa xả nước vôi, luộc sơ rồi để ráo trước khi xào đường trên lửa nhỏ. Đảo đều tay đến khi khoai khô để đường có thể đóng thành lớp bột trắng, mỏng trên khoai là được. Làm như thế lượng đường ngấm vào khoai bị hạn chế, mứt khoai sẽ khô nhưng mềm và ngọt dịu. Muốn làm mứt khoai ướt, gọi là mứt khoai châu, thì nhỏ một, hai giọt chanh vào đường. Chỉ thế thôi mà khoai sẽ thấm đường nhưng không thể khô được, dù có xào thật lâu. Hiện ở Huế cũng còn có vài nơi bán loại mứt khoai lang gọi là khoai ngào gừng. Nhưng thường vì làm lối hàng chợ nên thô, và đường vón cục rất ngấy. Mứt khoai trắng ở chợ Bến Thành ngày nay không khử vôi nên đường thấm nhiều quá thành ra ngọt chát và không mềm dẻo. Chán nhất là loại khoai phơi khô được gọi là mứt khoai dẻo ngoài thị trường ngày nay.
Gần Tết nữa là bắt đầu việc biếu xén. Các hộp mứt, chai rượu đi vòng vo rồi nhiều khi cuối cùng lại quay về chủ ban đầu. Ngoài những món đồ truyền thống, thường tình, nhiều người muốn khoe sang thì ra đường Hàm Nghi, nhưng chắc ăn nhất là vào Chợ Lớn, mua đồ kiểu cách như vịt khô ép mỏng như cái đĩa và lạp xường ngũ vị, bát vị, v.v. Tất cả đều được tẩm rượu mai quế lộ. Các loại rượu quý, rượu vang của Âu, Mỹ hay các loại rượu Trung Hoa cổ (như Trúc Diệp Thanh Tửu, Hoàng Hoa, Ngũ Gia Bì…) đều được coi trọng. Nhưng những người theo lối xưa như bố mẹ tôi lại thích biếu họ hàng, bè bạn các loại sản phẩm do chính tay mình tạo ra. Thông thường nhất là bánh chưng, hơi lạc loài trong rừng bánh tét.
Vì lý do thời tiết, nên phải đợi thật muộn, thường là ngày 28 Âm lịch, mới nấu bánh chưng để bánh còn ăn được trong ngày Tết, vì nếu bỏ tủ lạnh sẽ bị lại gạo. Riêng lá dong gói bánh bán nhiều nhất ở chợ Ông Tạ. Mấy loại giò (chả lụa) cũng hay được nấu ghém vào nồi bánh chưng. Và ngày gói bánh chưng là lúc Tết hơn Tết đối với bọn trẻ chúng tôi.
Bắt đầu từ hôm nay mọi việc xem như xả láng. Các trường học, sau các hoạt động tất niên kéo dài cả tuần lễ, đã nghỉ Tết. Quần áo giầy dép mới đã được may, đóng và háo hức đợi được chính thức cắt chỉ. Mấy hôm này chỉ lo lượn chợ hoa, chợ Tết. Bạn bè kéo đến chung vui với nồi bánh chưng. Lúc lửa lò nấu bánh bắt đầu được thổi lên là vài thứ hạt dưa, mứt Tết được đem ra cho chúng tôi, các “thợ” trông nồi bánh thử trước. Rồi trong khi trông nồi bánh, thường là qua đêm, các loại bài bạc được chơi tự do. Tổ tôm, mạt chược dành riêng cho người lớn. Còn các loại bài như bất, đố mười, tam cúc, tôm cua cò cá (bầu cua cá cọp); hay bài Tây “các tê” thì của mọi lứa tuổi, và từ bấy giờ sẽ luôn hiện diện cho đến cái lúc buồn thảm nhất trong năm là tối mồng Ba Tết.
Cây bài bất giống y như bài tổ tôm nhưng nhỏ hơn, và mỗi loại chỉ có một quân bài. Ngoài các hàng văn, sách, vạn như tổ tôm, cỗ bài bất còn thêm hàng sừng, tức là sò, với cây bài ông cụ là quân nhất sừng. Khi chơi thì có một nhà cái gọi là trương, hay trang, chọi với từng nhà con, và tất cả các nhà con gọi chung là làng. Cỗ bất được để úp trên một đĩa nhỏ để mọi người rút theo lượt, mỗi lần một lá bài. Tổng số các quân bài rút, được quyết định tùy hỷ, được cộng điểm thành 10 là tốt nhất. Trên 10 thì bị loại, gọi là bị bất. Nếu cùng điểm thì so hơn thua theo hàng: sừng cao nhất, sau đó theo thứ tự là vạn, sách và thấp nhất là văn. Khi tất cả đã rút đủ bài, nhà cái (trương) so sánh hơn thua với từng nhà để thu hay chi tiền.
Đố mười cũng dùng cỗ bài bất. Mỗi người chơi được rút hay chia lần theo vòng 3 cây bài. Tổng số cộng lại nếu trên 10 sẽ trừ đi 10 làm số thành. Điểm 10 là cao nhất. Nếu cùng điểm thì cũng lại so sánh hơn thua theo hàng. Ai cao điểm nhất sẽ thắng số tiền tất cả người chơi chung vào mỗi ván. Đố mười hơi giống bài cào 3 lá đánh bằng bài Tây. Nói chung thì các lối chơi bài ngày xưa hiền, nhẹ nhàng và ít sát phạt hơn so với các dạng bài bạc bây giờ.
Đêm Giao thừa
Đêm 30 là lúc Tết nhất của Tết. Càng gần giờ Giao thừa thì mọi người càng trở nên nghiêm túc hơn, “hiền” hơn. Bố mẹ tôi tự nhiên có vẻ nghiêm trang, nhưng nhã nhặn hơn ngày thường. Bàn thờ Giao thừa và bàn thờ gia tiên đã sẵn sàng. Bố tôi vẫn giữ được đôi tranh Thần Đồ, Uất Lũy cũ đem ra treo hai bên cửa ra vào dưới nhà, từ tối 30 Tết mỗi năm. Người Bắc xưa ngày Tết treo cặp tranh Thần Đồ, Uất Lũy hay đôi tranh Tử Vi, Huỳnh Đàn để trấn trước nhà, chứ không treo tranh Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung như người Hoa. Cũng có năm bố tôi trổ tài vẽ và giảng giải về ba vuông bẩy tròn và cung tên bằng vôi cho chúng tôi. Vì sân trước nhỏ, nên việc này đành phải thực hiện ở sân sau nhà, rồi Giao thừa đến. Trên radio, và sau này cả trên truyền hình, bài Ly Rượu Mừng vang lên. Hương khói nghi ngút. Mẹ tôi trở nên nghiêm trang, thành kính tối đa trong mỗi cử chỉ. Phấn son, nhưng mẹ vẫn mặc áo dài của năm cũ khi cúng Giao thừa. Những kiêng cữ như tránh quét nhà, to tiếng, nói dối… bắt đầu được tuân thủ. Trang nghiêm là đúng, vì đối với các thế hệ cũ thì cho đến lúc ấy mọi sự tin tưởng và kiêng cữ vẫn còn là hơi thở.
Theo phong tục cổ của người mình, thời khắc Giao thừa là giờ phút thiêng liêng nhất của năm. Lúc trừ tịch này trên không trung phải tuyệt đối tĩnh lặng để các thần năm cũ giao tiếp các thần năm mới. Trong khi đó dưới đất phải đốt pháo, đánh trống chiêng, xoong, nồi các thứ thật ồn ào để xua đuổi ma quỷ nhân đêm tối nhất của năm, khi mọi thổ, trạch thần đều vắng mặt, mà xâm nhập làm hại thế gian. Sai nguyên tắc này sẽ không bao giờ đạt được quốc thái dân an trong năm mới.
Lúc mọi nhà cúng Giao thừa và gia tiên xong, ở những năm được đốt pháo, pháo bắt đầu rền. Các bánh pháo Điện Quang, Toàn Hồng nổ giòn vang xa gần. Mỗi đoạn khoảng 20cm pháo con lại chen một cái pháo đại. Văn hóa đốt pháo của giới trẻ hồi đó bây giờ nghĩ lại thấy lành lắm. Nghịch nhất cũng chỉ là úp ống lon sữa bò lên pháo rời nhặt được rồi đốt cho lon bay lên. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp rắn mắt hơn, nhưng cố ý làm đau người khác thì rất họa hoằn. Thật ra lũ chó mèo là bọn oán hờn pháo nhất. Các tràng pháo có khi dài từ lầu ba xuống đất, hoặc có khi dài hơn. Mùi khói pháo thật tuyệt vời và rất ‘sạch”.
Sau đó bố mẹ tôi đi lễ Giao thừa. Hướng xuất hành đã được bố tôi tra xét kỹ từ lịch Tam Tông Miếu. Cũng có năm các cụ đi lễ Lăng Ông, nhưng thường là đền đức Thánh Trần. Sau này tôi mới biết là do hướng xuất hành của tùy năm. Giao thừa và ngày Tết bố mẹ tôi thường không đi lễ chùa, mà để dành đến Rầm tháng Giêng. Người Bắc ở Sài Gòn thủa ấy hay đi chùa Vạn Thọ. Đây là một ngôi chùa nhỏ ấm cúng bên bờ nước, hình như ở Tân Định. Chỉ có một vài năm bọn trẻ chúng tôi theo bố mẹ đi lễ tối 30 Tết, còn thì vừa bị khích động vì pháo, vừa còn say khói pháo nên hay ở nhà đánh bài, ăn mứt, cắn hạt dưa. Ở các đình, đền đầu năm cũng có khi có hát bội, mà hồi còn bé tôi rất sợ. Lại có nhiều người đi rao “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Hành khất thì vô số kể. Khói hương nghi ngút và người đông đến ngộp thở. Tiếng lắc thẻ xin xăm vang khắp nơi. Khách đi lễ ai cũng tỏ ra vui vẻ, hòa nhã. Nhưng các ông bà bán hàng đầu năm như vôi, muối, cành lộc, hoa quả, bánh mứt, giò chả, bánh chưng, bánh tét…, thì đon đả một cách rất Tết.
Lúc trở về bao giờ bố mẹ tôi cũng có một cành lộc, mà chẳng hiểu tại sao năm nào cũng là một đọt trúc đằng ngà. Vì ỷ là người được mời đi xông đất đầu năm rất nhiều, nên bao giờ bố tôi cũng tự xông đất. Một bánh pháo nhỏ lại được khai hỏa. Sau đó cả nhà quây quần ăn nhẹ một ít bánh mứt và đánh bài. Lúc này bố mẹ tôi mừng tuổi (lì xì) các con. Mỗi đứa được một phong bao, trên đó bố tôi viết sẵn rất đẹp tên từng người, và, bằng cả chữ Việt lẫn chữ Nho, dòng chữ “nhất bản vạn lợi”. Dù lúc đó xã hội hoàn toàn theo nền giáo dục tân học mang nhiều ảnh hưởng phương Tây, nhưng chúng tôi luôn thấy cảm động, và luôn trân trọng những phong tục truyền thống đẹp đẽ này.
Mồng Một Tết
Sáng sớm mồng Một Tết được bắt đầu bằng tràng pháo đón vị khách đầu tiên của năm mới. Quần áo mới được mọi người đem ra diện. Với bọn nhỏ chúng tôi thì câu vui như Tết chỉ cảm thấy được đêm 30 và sáng mồng Một mà thôi, vì những người họ hàng và bạn bè thân thiết nhất của bố mẹ tôi đều đến chúc Tết vào buổi sáng này, và họ là những khách sộp lì xì hậu hĩ nhất. Doanh thu của tất cả thời giờ còn lại của mấy ngày Tết sau đó thường không bằng một phần ba buổi sáng mồng Một. Sau khi tiếp các vị khách này, bố tôi đi chúc Tết họ hàng bè bạn, trong khi mẹ tôi ở nhà tiếp khách. Đến gần trưa bố tôi về, và lúc đó các họ hàng và bè bạn chí thân của gia đình đã có mặt đông đủ để dùng bữa đầu năm với chúng tôi.
Có một cái lệ đặc biệt mà những người thuộc giòng dõi khoa bảng cũ miền Bắc ở Sài Gòn vẫn còn giữ cho đến mãi sau này, là khi đã họp mặt đông đủ ngày mồng Một Tết, người ta dở tấm Thăng quan đồ ra để chơi cờ Thăng quan, loại giải trí phổ thông nhất của giới nho sỹ, khoa bảng từ ngàn xưa, để xem vận mệnh công danh trong năm mới. Cụ Ngô Tất Tố có lẽ đã bỏ quên món này trong tác phẩm Lều Chõng.
Bản thăng quan đồ này to bằng một mặt bàn nhỏ. Sang thì bằng gỗ sơn son thếp vàng có thể gập đôi lại được. Thường thì in trên vải hay giấy. Trên đó chia thành nhiều ô ghi cấp bậc của hệ thống quan chế triều đình ngày xưa, từ thấp nhất là Hàn lâm Đãi chiếu (tòng cửu phẩm văn giai) cho đến cao nhất là Thái tử Thái bảo (trên nhất phẩm, đầu triều). Mỗi người chơi nhận quân của mình rồi gieo xúc sắc (xí ngầu) mà đi. Chung quanh ô của mỗi cấp bậc đều có các ô mà sa vào đấy sẽ được thăng, hay bị giáng, phạt thế nào. Ai đạt đến Thái tử Thái bảo trước hết cả là thắng. Bản bố tôi giữ được không phải thuộc hệ thống triều Lê, mà từ thời Tự Đức. Cờ Thăng Quan hồi đó đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, và trong Sài Gòn hồi ấy có thể mua ở các tiệm tạp hóa của người Bắc ở chợ Ông Tạ. Hình như bàn cờ Thăng Quan bố tôi có hồi ấy chỉ có văn ban chứ không có võ ban. Năm 1992 tôi có mua được một bản Thăng quan đồ in trên giấy từ một cửa hàng tạp hóa ở Cửu Long, Hong Kong. Nhưng bản đó lại theo quan chế Minh triều, Trung Quốc, và cũng chỉ có văn ban.
Rồi cỗ bàn lúc nào cũng sẵn sàng, một phần nhờ ơn cái tủ lạnh. Ngoài những món truyền thống cố hữu của ngày Tết như bóng, chân giò ninh măng, thang cuốn, giò chả, bánh chưng, hành kiệu, thịt thà…, vì tổ tiên họ Trịnh chúng tôi ngày xưa xuất phát từ Thanh Hóa nên mẹ tôi còn được các cụ truyền cho vài món cỗ Tết đặc biệt của vương thất xứ Thanh xưa, như sơn hào hải vị thang, nộm sứa khô bát vị, v.v. Đây là những món dùng nguyên liệu khô có thể nấu được trong những ngày Tết không có họp chợ. Nguyên liệu nấu những món này như gân nai, hải sâm trắng, giò lụa lợn rừng, sứa khô, vẫn còn mua được ở Sài Gòn thủa ấy. Những món đơn giản hơn là nem ngang, giò lòng.
Nem ngang hơi giống như nem Phùng hay nem bì của các vùng Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình. Thịt lợn thật tươi cắt miếng vừa phải, luộc hơi tái bên ngoài, nêm với ít nước mắm, thấm thật khô, thái nhỏ, rồi băm dập đi bằng sống dao. Bì lợn thái sợi với lượng nhiều nhất là bằng lượng thịt. Mỡ giắt luộc thái nhỏ hạt lựu. Thính giã thô. Tất cả trộn đều rồi nắm thật chặt lại bằng nắm tay. Nem ngang bao lót bằng lá ổi chứ không dùng đinh lăng như ở vài nơi khác. Sau đó gói bằng lá chuối đã rửa thật sạch, lau và phơi khô thật kỹ rồi buộc lại. Khác với nem bì nấu chín ăn ngay của Nam Định, nem ngang Thanh Hóa phải đợi ít nhất ba ngày cho chín, nghĩa là hơi chua, mới dùng. Ngon nhất là cuốn bánh tráng với rau diếp, húng, thơm, mùi (ngò) cho thật chặt, rồi thái khúc. Khi ăn chấm nước mắm ngon pha tỏi ớt, làm giò lòng thì lòng lợn, khấu đuôi, bao tử cắt mở dọc ra thành lá cắt khúc, và bì heo đã bỏ sạch mỡ thái nhỏ, với chút nước mắm, hạt tiêu, rồi để ráo. Nấu bì heo cho đến khi thành hồ, giống như làm thịt đông. Trộn lòng, bao tử đã sửa soạn sẵn như trên và ít hạt tiêu vào nấu nhừ. Rồi để ráo, cho vào hồ bì trộn kỹ và gói lá chuối cho thật chặt. Sau đó luộc chín trở lại. Một phiên bản khác là trộn các thứ lòng, bao tử đã sửa soạn như trên đã hầm kỹ, để ráo và ít hạt tiêu vào nửa phân lượng giò sống đã nêm. Gói thật chặt, buộc kỹ rồi luộc chín như luộc giò bình thường. Thử tưởng tượng ngày xưa khi chưa có tủ lạnh, nếu không có không khí lạnh giá của miền Bắc thì loại giò này có thể giữ được bao lâu. Và hồi ấy người ta vẫn còn dùng hàn the mà chưa biết sợ.
Chiều mồng Một bố mẹ tôi bắt đầu cùng nhau đi chúc Tết họ hàng, bè bạn. Chúng tôi ở nhà tiếp khách để nhận lì xì. Bắt đầu từ chiều hôm nay cho đến chiều ngày mồng Ba Tết, đường phố bắt đầu có nhiều người hơn. Các nhóm Sơn Đông mãi võ lưu động, phần nhiều là người Hoa, đi múa lân và biểu diễn võ thuật kiếm tiền thưởng khắp thành phố. Chiêng trống inh ỏi. Người Sài Gòn múa lân (không phải sư tử) vào dịp Tết Nguyên Đán chứ không phải Trung Thu như ở Huế và ngoài Bắc. Tối ba ngày Tết nhiều đình, đền ở Sài Gòn và các vùng phụ cận có tổ chức hát bội. Vẫn ăn uống, bài bạc, nhưng bắt đầu từ tối mồng Một Tết, không khí thiêng liêng của ngày Tết đã bắt đầu nhạt.
Sang đến ngày mồng Hai Tết thì câu “ngày vui qua mau” đã bắt đầu được cảm thấy. Vẫn có khách đến chúc Tết, ăn uống, bài bạc, nhưng sự háo hức không còn nữa.
Mồng Ba Tết bắt đầu phải ăn bánh chưng rán. Khách chờ đến ngày hôm nay mới đến chúc Tết có vẻ hơi thẹn, gượng gạo. Chủ nhà vẫn niềm nở nhưng quần áo, thái độ không còn được chăm chút như hai ngày đầu. Bọn trẻ thì tên nào mặt mũi cũng buồn rười rượi. Đến sau khi mẹ tôi hóa vàng tối mồng Ba thì tiếng Tết gần như bị tránh nhắc đến, mặc dù các hội hè nhiều nơi vẫn được tổ chức cho đến Rằm tháng Giêng. Để ý kỹ thì dường như thường thường tối hôm mồng Ba bố mẹ tôi không giấu được nét mệt mỏi và tiếng thở dài nhẹ nhõm, có lẽ vì đã thoát được ba ngày giữ gìn, kiêng cữ và đóng bộ hết mức. Chưa kể đến sự tiêu pha đến xót ruột và công sức bỏ ra trong cả tháng trời trước đó.
Xin hết.
Tác giả : Nguyễn Hữu Khoáng
=============
Liên kết Trang web : https://saigonxua.org/

Friday, February 9, 2018

Hăm Ba Ông Táo Về Trời - Phạm Sanh PBC72

Hăm ba cá chép vể Trời, Cá rô ở lại chịu đời đắng cay..
Hăm ba tháng chạp, người VN cúng đưa ông Táo về Trời, báo hiệu những ngày Tết Âm lịch bắt đầu.
Theo Đức Phật, nhu cầu đầu tiên sống còn của con người chính là ăn uống. Thần thoại Hy Lạp cũng tôn vinh vị nữ thần lửa Hestia, chị cả của thần Zeus. Á đông có Táo quân; Việt Nam,Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có; tuy việc thờ cúng, sự tích, tên gọi, giới tính có khác nhau cho từng nước từng vùng. Hàn Quốc có nữ thần bếp Jowangshin, hiện thân là bát nước lạnh tinh khiết đặt trên bàn thờ được thay nước mỗi ngày bởi một người phụ nữ trong gia đình. Nhật Bản lại là nam thần Daikokuten, khuôn mặt phúng phính luôn cười tươi, tượng trưng luôn cho cả sự thịnh vượng may mắn. Các nước Á đông thường bị chi phối bởi các nền văn hóa phồn thực, lúa nước và đa thần; nên sự tích thờ cúng Táo quân cũng hết sức phong phú đa dạng. Nếu Táo quân Trung Quốc 1 ông 2 bà, thì VN lại 1 bà 2 ông. Nếu Táo VN cưởi cá chép vàng về Trời, thì Táo TQ cưởi bạch mã (không phải là thái tử Long vương theo phò Tam Tạng đâu nhá). Chỉ có cái chung là chuyện vợ chồng nhà các Táo, hết sức dân giã đời thường lại mang chút kịch tính lãng mạn trước khi chuyển thể thành Thần, chứng kiến đủ kịch bản hỉ nộ ái ố tham sân si của gia chủ, im lặng chờ đợi cuối năm lên báo ông Trời cho bỏ ghét. Một chuyện nữa về Táo VN đang tranh cải, Táo có bận quần hay không? Có ý kiến GS NLD cho rằng do ông Táo không lo nghĩ lo ăn lo mặc gì hết nên chẳng cần lo bận quần. Theo tôi trật lất, tại sao không cởi luôn cả áo để đở tốn vải tốn giấy.
Do gia đình Táo kéo nhau về Trời tâu bẩm lung tung, cho nên gia chủ phải biết ninh lấy lòng. Người miền Bắc nấu chè cốt (nếp), cho Táo dính bẩy, miền Nam “thèo lèo cứt chuột” cho dính răng. Rồi tiền bạc, quần áo, nón giày, cả phi thuyền như cá chép, ngựa trắng, cò chim... phải thật đầy đủ. Giờ giấc cũng rãi đều cho đở nghẹt xe, miền Bắc cúng tiển từ khuya đến sáng, miền Nam lại từ trưa đến tối. Phan Thiết, nhớ những năm xưa, người dân biển ưa cúng theo con nước lớn, mùa bấc gió lên sóng lên nước lên vào xế trưa. Mẹ thường nhờ tôi chạy ra bờ sông đường Trưng Trắc, nhìn con nước, về báo lại để Mẹ thắp nhang đốt vàng bạc đồ nghề lỉnh kỉnh kịp đưa ông Táo sớm về Trời. Gió mùa Đông Bắc rít từng cơn làm mấy ngọn dừa lẻ loi nghiêng ngã, nước sông Cà Ty xanh thẩm màu rong cuồn cuộn chảy vào, ghe tàu neo đậu đầy sông sơn phết treo cờ ăn Tết, nhà nhà bày biện nhang đèn lần lượt tiển đưa ông bà Táo, một hai chiếc xe đò vụt qua ráng vội... Cảnh yên ắng thanh bình những ngày Tết xưa, khó quên trong đầu.
Mấy Táo như mấy bạn cũng phải đi phải về. Lên Trời, Táo rất sung, cả năm không nói năng gì với ai được mà lại phải nghe chuyện than thở nói xấu người khác của mấy bà , lở bực mình tâu nhỏ Ngọc Hoàng là rối ngay đội hình, con người ở kiếp trần gian độ này khá mỏng manh như giọt nắng bên thềm, không khéo làm ma đói trong tù như chơi. Cán bộ nhà ta đang sợ chiêu này lắm. Trời thật lạnh mà người người vẫn chen nhau thả cá chép xuống các ao hồ Hà Nội đông nghẹt (xem thêm báo mạng,  biết thêm tin... để mà tức cho vui mấy ngày xuân). Thả cá còn được vừa rẻ vừa lấy may, chứ thả thiên nga đen, mắc tiền, bọn học giả trí thức đang rình nói bậy. Mười hai con thiên nga ra hồ Hoàn Kiếm, chứng khoán mất ngay 12 tỷ đô la, Hoàn Kiếm chỉ là nơi linh thiêng dành cho vua Lý trả lại kiếm cho cụ rùa già cô độc (buồn quá đã chết mấy năm trước), nuôi mấy con vật ngoại lai tung tăng sao được. Giàu lên bất ngờ, tin chuyện liêu trai, tâm linh dữ lắm.
Năm nay, giao thừa vẫn còn chương trình các Táo lên chầu Ngọc Hoàng, tâu lại mấy chuyện cười muốn đứt ruột ở trần gian. Chuyện cô hoa hậu NA lấy mủi giả ra rồi mà vẫn có vương miện, ban giám khảo đòi hoài không thèm trả, làm gì được nhau. Chuyện cụ giáo sư PH, tửng tửng còn hơn thiếu úy Thọ, thế nào cũng có trên màn hình TV đêm giao thừa cho mà xem. Thật ra, nhiều đứa nó muốn, người mẫu hoa hậu càng nhiều càng tốt để cũng có đủ chuông rè đi đánh xứ người, có giải gì tổ chức ở đâu, VN cũng góp người góp đoàn đông đủ, mấy em càng ẹ càng tốt, miễn phong bì càng dày, đố chúng biết VN hay Cambodia. Hoa hậu dỏm cũng có hạng để mang về, nhưng giáo sư dỏm thì khó quá. Mới đây, tờ Times Higher Education xếp hạng 350 trường đại học Á châu, không thấy tên trường nào của VN, dù số lượng giáo sư ở VN không kém Mỹ. Năm 2014, VN đã có 24.000 TS, gấp 5 Nhật và 10 Do Thái. Rất tiếc, đào tạo và phong hàm nhanh chỉ để làm màu thay thế cha ông nắm quyền giữ ghế mà thôi, 85% TS không rành tiếng Anh và không hề tham gia giảng dạy. Đến ông già BH cũng từng là hiệu phó một trường đại học có tiếng ở thủ đô nghìn năm văn vật hay ăn vặt gì đó. Đến bà bộ trưởng bộ YT, nhờ công đàm phán mua thuốc ngoại giá mắc ngút trời, được bọn cò thuốc chạy cho danh hiệu viện sỹ Pháp quốc, cái cớ chúng nó phong học hàm giáo sư VN. Thôi đành phải an ủi vậy, vận nước, do số trời chứ không phải tại số của mình. Mấy bà chửa chồng yên tâm, vẫn còn cơ hội đi thi. Cả cụ Thiện hoa hậu, cứ hy vọng.
Đưa tiễn ông bà Táo được 2 ngày về Trời thì đã phải tìm cho ra đường Huyền Trân công chúa cạnh vườn Tao Đàn, uống cà phê ăn sáng tiễn vợ chồng Phi Vân giao thừa về Mỹ. Vào quán, cảm giác thoáng mát dễ chịu như đang ở trong một công viên rừng, không gian trãi rộng trên vạt đất hoa viên bao quanh dinh Độc Lập, khép kín sau bờ tường cao vút cách ly sinh hoạt thành phố bên ngoài, ít người SG biết đến nhưng lúc nào cũng chật kín đông nghẹt khách quen. Chồng Phi Vân hiền thật, nếu bên này chọn Thức thì bên đó phải bình bầu cho Tân. Cười nhẹ, ít nói, chỉ lẻo đẻo theo chụp hình cho bà xã và các bạn. Tôi rất quý mấy ông xã như vậy, tuổi xế chiều rồi mà mình vẫn chưa thuộc bài, rừng không thể có 2 cọp, dù cho khác giống. Cuối năm,  chờ bạn hơi mệt. HB hẹn 7 giờ, trời lạnh ngũ nướng đến nơi hơn 8 giờ, vậy mà chỉ một mình MQ. Gọi điện thoại, người không biết, người bận, người không thèm bắt máy. Phải nói khéo với Phi Vân, lúc này mấy bạn mình hay lãng trí, cả bà chủ vựa nghêu sò ốc hến. Có Minh B từ Tam Hiệp về, có Dũng từ Bình Chánh lên, rồi Mộng Quyên Ngọc Sương, Hồng Tường, Đình Pháp, quá vui rồi. Nhìn cô bé nhà hàng nhờ chụp hình chung cho cả đám bạn, mà HT cứ thắc mắc nhìn chỗ nào. Cuối năm, lại biết thêm chuyện 72 có một nàng hoa hậu xứ người. Thầm nghĩ, nếu mấy bà nổi cơn đi thi hết, chắc Trump cũng không đủ vương miện. Nhìn những cây bằng lăng cổ thụ, cành rễ lòng thòng, ngạo nghễ còn sót lại quanh ngọn đồi dinh Độc Lập, chợt nao nao, thấy giống hệt từng người bạn 72 tuổi sắp xế chiều.
Đợt này, anh Tân chồng Phi Vân hứa, sẽ về. Lại nhớ các bạn vừa đi, cả những bạn chưa về...
Phạm Sanh, 72PBC

Thursday, February 8, 2018

Chợ tết Phan Thiết - Mậu Tuất 2018 diễn ra trong 6 ngày

Chợ tết Phan Thiết từ ngày 10/2 đến ngày 15/2/2018 (nhằm ngày 25 đến 30 tháng chạp âm lịch). Riêng khu vực Bắc sông Cà Ty sẽ tổ chức chợ hoa tết từ ngày 6/2 đến ngày 15/2/2018. Có 17 khu vực và lòng, lề đường tại các trục đường xung quanh chợ Phan Thiết và công viên nhà thiếu nhi được quy hoạch để sắp xếp cho các hộ tiểu thương tham gia kinh doanh. Tùy khu vực, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh chợ tết có thể đến nhận mẫu đơn đăng ký tại Ban quản lý chợ Phan Thiết, Nhà Thiếu nhi thành phố và UBND các phường: Đức Nghĩa, Đức Thắng, Bình Hưng trong thời gian từ ngày 20/1 đến ngày 3/2/2018. Mức thu phí mặt bằng được phân loại tùy vị trí, mặt hàng kinh doanh, với 2 mức: 350 ngàn và 400 ngàn đồng. Ngoài ra, các hộ kinh doanh còn nộp thêm lệ phí môi sinh từ 20 ngàn đến 40 ngàn đồng.     

Tết Miền Tây 2018

 Chợ nổi Cái Bè
Miền Tây gạo trắng nước trong, nơi có những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh biếc, cánh cò bay thẳng cánh, vườn trái cây chín mọng, nơi những ngôi chở nổi làm say lòng biết bao du khách thập phương, hay tiếng hò vang bên dòng Tiền của cô lái đò níu chân bao lữ khách. Tết này tạm xa chốn đô thị phồn hoa, xuôi về miền sông nước để cảm nhận nét dịu dàng trong từng thắng cảnh, khởi đầu năm mới bằng chuyến đi an yên.

Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)


Khu vực núi sam có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Đặc biệt miếu bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng đã thu hút hàng triệu lượt khách về đây chiêm bái, du xuân và cầu bình an cho năm mới.

Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang)


Chợ nổi Cái Bè - ngôi chợ nổi tiếng nhất Đồng bằng sông Cửu Long, mọi nét văn hóa đặc sắc của miền sông nước dường như được thu gọn lại vào ngôi chợ này. Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ lúc tinh mơ cho đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịn như một phố nhỏ trên sông. Những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa… chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu trông rất sinh động. 

Rừng tràm Trà Sư (An Giang)

Đến với rừng tràm Trà Sư là đến với thế giới của màu nước xanh lá bèo, của lá cây lọt giữa khoảng trời trong xanh hùng vĩ. Đi thuyền len lỏi vào Trà Sư, mái chèo lay động làm đám bèo trôi dạt ra hai bên rồi nhanh chóng trở về vị trí cũ. Quanh bạn chỉ còn lại những âm thanh của thiên nhiên, tiếng mái chèo khuấy nước, tiếng chim chóc giữa núi rừng xanh mát. 

Tràm chim (Đồng Tháp)


Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Đồng Tháp là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ, một loài chim cực kỳ quý hiếm, có tên trong sách đỏ. Ngồi trên xuồng len lỏi dọc theo những dòng kênh, vào rừng tràm, ngắm nhìn đủ loài chim bay lượn hay chính bạn sẽ được thử chèo xuồng và trải nghiệm cuộc sống vùng ngập nước.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

 Hơn 100 năm hình thành và phát triển, chợ nổi Cái Răng hiện nay thuộc địa phận Cái Răng, TP. Cần Thơ, mỗi ngày nơi đây đón hơn 300 tàu, ghe buôn bán thao thương. Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng, người dân nơi đây tình cảm nồng ấm, trìu mến khiến cho ai đến cũng mến cũng yêu, đến một lần và muốn quay lại nữa.


Bến Ninh Kiều (Cần Thơ)

 


Bến Ninh Kiều, nơi nhìn ra dòng Hậu Giang đỏ nặng phù sa, nằm ở vị trí đắc địa, giao thoa hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Ai một lần đến với thành phố trung tâm miền Tây này dù bận bịu vẫn không bỏ qua cơ hội tìm đến đây để ngắm nhịp sống trên ghe xuồng sôi động, những chiếc tàu tấp nập chuyên chở trái ngon vật lạ của vùng đất phía Nam tổ quốc.

Cồn Long - Lân - Quy - Phụng (Bến Tre)

Đón Tết Nguyên Đán ở Miền Tây sông nước
Bốn cồn Long, Lân, Quy, Phụng đều là điểm tham quan nổi bật của Bến Tre. Đến đây bạn có thể đi thuyền lênh đênh trên nước và tùy ý chọn một cồn để vào tham quan. Đây thường là các khu du lịch, bạn mua vé vào tham quan và thỏa sức hái trái cây tại những vườn trái cây ở đây, hoặc mua những món ngon đặc sản về làm quà.

Làng nổi Tân Lập (Long An)

 Đây là một địa chỉ khá mới trên bản đồ du lịch, nhưng lại khá lôi cuốn du khách bởi họ đến đây để tìm cảm giác thư thái, đắm mình giữa thiên nhiên rừng tràm xanh ngắt cũng như trút bỏ những nặng nề của cuộc sống nơi thành thị xô bồ. Điểm đặc biệt nhất ở Tân Lập là thích hợp với những người thích chụp ảnh và tận hưởng không khí tĩnh lặng. Nếu ai có kế hoạch tham quan một số điểm khác thì có thể kết hợp chùa Nổi, Vườn dược liệu hoặc tới cửa khẩu Tân Hiệp mua sắm cách đó không xa.


Rừng đước Năm Căn (Cà Mau)

Rừng đước Năm Căn gây ấn tượng với biết bao du khách phương xa, vẫn là những dòng sông nhỏ, kênh rạch nhiều như mạng nhện luôn cuồn cuồn nước, bãi bùn dài tăm tắp và cây cối vươn cao, rừng đước ngày đêm âm thầm dấn bước chân mình ra biển khơi. Chính vì những chứng tích lịch sử oai hùng, tầm quan trọng to lớn của rừng đối với đất nước đã làm cho nơi đây không giống bất cứ đâu, rừng đước cứ thế bồi đắp phù sa và lấn biển, làm đất nước ta ngày càng dài rộng hơn.

Rừng U Minh Thượng (Kiên Giang)

 Nếu bạn là tuýp người thích trải nghiệm giữa chốn rừng thiêng, ngắm nhìn muôn thú và các loài thực vật, U Minh Thượng là lựa chọn lý tưởng. Nơi đây toát lên vẻ đẹp quyến rũ riêng của một khu rừng nằm trong vùng đất ngập nước ngọt, là ưu hợp rừng tràm hỗn giao nằm trên đất than bùn của hệ sinh thái úng phèn. Hãy đến để khám phá sự phong phú tuyệt vời của hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ và được nghe người dân kể những giai thoại thời chiến tranh đầy oanh liệt nơi đây.

Xem thêm: